Tại Sao Khi Cắt Đá Lại Dùng Lưỡi Cưa Sắt, Mà Khi Cắt Sắt Lại Dùng Lưỡi Cưa Đá?

Chắc có lẽ nhiều người cũng có những thắc mắc như vậy. Điều này cũng tương tự với máy cắt và lưỡi cắt. Đối với những loại lưỡi cưa dạng đĩa tròn, và đều không có răng cưa, có thể giải thích câu hỏi trên như sau:

Các lưỡi cắt, lưỡi cưa này thao tác cắt, cưa bằng chuyển động quay tròn chứ không phải chuyển động tịnh tiến. Nếu bạn quan sát một đĩa cắt đá , bạn sẽ thấy sắt chỉ là phần nền, hay phần mang, chứ không phải là phần công tác. Xung quanh lưỡi cắt có một viền hẹp hình vành khăn có đính những hạt li ti lấp lánh, đấy chính là phần công tác. Phần này chứa những hạt kim cương bụi được cấy vào nền kim loại. Kim cương rất cứng nên gọt phá được bất cứ loại đá nào. Có lẽ bạn sẽ thắc mắc tại sao kim cương rất nhiều tiền mà một lưỡi cắt đá có đường kính khoảng 15cm lại chỉ có giá vài chục ngàn? Đây là kim cương nhân tạo có tinh thể nhỏ li ti, không có giá trị như kim cương tinh thể lớn vẫn dùng làm nữ trang. Khi phần công tác bị mòn hết thì lưỡi cắt phải bỏ đi, dù vẫn còn nguyên cái đĩa sắt.

Còn lưỡi cắt sắt, nó không phải bằng đá. Khi cầm những đĩa cắt sắt thời nay, bạn sẽ có cảm giác như nó làm bằng giấy. Nhà sản xuất trộn bột oxid-kim loại với các sợi thạch ma (amiant, loại sợi khoáng, không cháy được) và keo dính, rồi ép lại thành hình đĩa. Các oxid kim loại đều rất cứng, cắt gọt sắt thép rất tốt, thí dụ oxid-nhôm. Trước đây họ chỉ trộn bột oxid kim loại với keo nền rồi ép lại thành một phiến đĩa khá dày, cứng như đá khiến ta lầm tưởng là đá. Bây giờ người ta vẫn làm như vậy để sản xuất đá mài, chứ không phải để làm lưỡi cắt. Lưỡi cắt phải thật mỏng, thật nhẹ, không vỡ, mạch cắt rất hẹp, tiết kiệm thời giờ và nguyên vật liệu. Bột oxid-kim loại cũng được rắc trên nền giấy phun keo để làm giấy nhám.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *